Chuyện ông “Sơn cộng đồng”

Tôi gặp Nguyễn Hồng Sơn – CTHĐQT, GĐ công ty Thạch Bàn khu vực miền Trung và ngạc nhiên thấy doanh nhân này có quá nhiều biệt danh. Hỏi thì anh cười “Kể cả khi được gọi là “Sơn Toa let” tôi cũng vẫn vậy.

Tôi gặp Nguyễn Hồng Sơn – CTHĐQT, GĐ công ty Thạch Bàn khu vực miền Trung và ngạc nhiên thấy doanh nhân này có quá nhiều biệt danh. Ban đầu là “Sơn Thạch Bàn”, rồi đến “Sơn doanh nhân trẻ” (vì là Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng) và còn “Sơn cộng đồng”, “Sơn Toa let” (Ông Sơn là Phó ban thường trực Dự án Xã hội hoá nhà vệ sinh cộng đồng tại Đà Nẵng)! Chắc chắn mỗi tên gọi có một lý do riêng, hỏi thì anh cười “kể cả khi được gọi là “Sơn Toa let” tôi cũng vẫn vui mà!”

Có cái biệt danh ngộ nghĩnh ấy đính kèm vì trong một chuyến đi dã ngoại cùng gia đình, sự cố bất ngờ là người nhà muốn đi vệ sinh mà chạy đôn chạy đáo toát mồ hôi cũng chẳng thấy! Sơn bảo từ chuyện nhỏ của cá nhân anh nghĩ ngay ra việc lớn – Đà Nẵng là thành phố du lịch mà lại thế này ư? Điều đó không thể chấp nhận được. Một ý tưởng vụt đến trong đầu. Tại sao không làm một cuộc vận động để các cửa hàng, quán ăn, cà phê, khách sạn… cùng tham gia dự án “Xã hội hóa nhà vệ sinh cộng đồng: Thoải mái như ở nhà”.

Vậy là một phong trào bắt đầu từ các doanh nhân trẻ rồi được nhân rộng. Đến Đà Nẵng bây giờ nếu bạn thấy có bức hình gương mặt cười treo ở cửa là bạn có thể bước vào đi vệ sinh nhờ một cách thoải mái. Nhiều du khách chia sẻ rằng họ thấy dễ chịu và thích thú với sáng kiến này. Sơn còn có tham vọng nhân rộng phong trào này ra cả nước bởi anh hiểu du khách đi du lịch ở đâu đó, vấn đề nhỏ ấy khiến họ nhiều khi không khỏi lúng túng và làm cho tâm trạng mất vui… Tôi còn tình cờ chung một chuyến bay với Sơn khi anh bay ra Hà Nội trình bày dự án của mình với câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo để kêu gọi mọi người chung tay vì cộng đồng.

“Sơn là người đầy nhiệt huyết. Chỉ gặp anh một lần là người đối diện nhận rõ năng lượng tràn đầy trong người doanh nhân trẻ này và khao khát muốn làm việc, muốn cống hiến.

Tham gia khóa đào tạo cao cấp về quản trị Hiệp hội doanh nghiệp do VCCI và WB, ILO, USAID phối hợp tổ chức tháng 11/2015 vừa qua, Sơn đã kịp kêu gọi các doanh nhân lãnh đạo Hiệp hội đóng góp ngay hai mươi triệu đồng trao tặng các cháu bé bị ung thư ở Đà Nẵng. Sơn bảo làm việc thiện nguyện thì anh đã có thể làm mọi lúc mọi nơi.

Anh đã cùng với các bạn mình tổ chức dự án “Một bức tranh – nhiều hy vọng” có tiếng vang và ý nghĩa rất lớn. Bắt đầu cũng từ việc Sơn vào thăm người thân trong bênh viện. Phòng bệnh thường trực một không khí tù túng bi quan với những bức tường xám xịt buồn bã. Trong khi đó ai cũng hiểu rõ phương thuốc hữu hiệu nhất chữa lành vết thương là tinh thần lạc quan yêu đời của bệnh nhân. Từ những trăn trở ấy của Sơn mà dự án ra đời. Hiện nay đã có tới 500 bức tranh được treo trong năm bệnh viện của TP Đà Nẵng đem đến sự ấm áp thân thiện và khơi dậy lòng yêu đời, tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân. Là người cũng đã từng chăm sóc người thân trong bệnh viện thời gian dài, tôi thực sự cảm động và thấu hiểu ý nghĩa của việc làm này. Cảm động trước nghĩa cử của các anh, nhiếp ảnh gia Trần Thanh Sang cũng đem trao tặng cho dự án 97 bức ảnh nghệ thuật vừa triển lãm tại Bình Thuận, trong đó có bức giá trên 40 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn trong chuyến cùng Hội Doanh nghiệp Hải Châu chuyển những phần quà đến với bà con tại Quảng Bình đợt lũ vừa rồi

Tôi còn nghe kể lại rằng có một cô ca sĩ ở Đà Nẵng bị bệnh nặng, chìm đắm trong lo âu buồn bã. Bạn cô vào thăm đã cùng các anh tổ chức đêm hát cho bệnh nhân nghe. Và cô ca sĩ nọ đã quên đi bệnh tật và ưu phiền để cùng cất cao giọng hát. Buổi biểu diễn có lẽ đặc biệt nhất trong đời ca hát của cô. Đem lại niềm vui cho người khác, đồng thời cô cũng tìm lại sự lạc quan cho chính mình. Sơn kể với tôi rằng Tết năm nào anh và bạn bè cũng làm chương trình tết cho bệnh nhân. “Làm những việc ấy bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc” – Sơn chia sẻ. Còn tôi thì hiểu rằng đó chính là hạnh phúc của sự sẻ chia và cống hiến của con người khi biết sống vì cả người khác, vì cộng đồng.

Ngạc nhiên hơn khi tôi còn đọc trên báo Công an Nhân dân bài báo của Nguyễn Hồng Sơn: “Nụ cười công chức tại sao không?”. Khi anh kêu gọi “Người dân Đà Nẵng đoàn kết nên đã xây dựng được những giá trị nhân văn tốt đẹp như một tài sản vô giá trên hành trình phát triển, trong đó, nổi bật hơn cả là sự đồng thuận, khoan hòa, hiếu khách. Trên nền tảng đó, không lẽ nào đội ngũ cán bộ, công chức thành phố lại không chủ động vào cuộc mạnh mẽ hơn nhằm phát huy những giá trị ấy, nhằm thay đổi chính mình, đơn vị mình để hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới thủ tục hành chính theo tinh thần phục vụ con người một cách hoàn thiện nhất…”.

“Điều đáng quý nhất trong cuộc đời của mỗi con người chính là những nghĩa cử tốt đẹp đối với người khác – những nghĩa cử nhỏ bé, không tên mà chính người đó đã quên đi. Chỉ cần một cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là bạn có thể chia sẻ với tất cả mọi người…”

Có cảm giác rằng với Sơn suy nghĩ về con người luôn là những điều trăn trở. Tôi đặt cho Sơn câu hỏi và nhận được câu trả lời bằng chính quan điểm về giá trị mỗi con người của anh “Điều đáng quý nhất trong cuộc đời của mỗi con người chính là những nghĩa cử tốt đẹp đối với người khác – những nghĩa cử nhỏ bé, không tên mà chính người đó đã quên đi. Chỉ cần một cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là bạn có thể chia sẻ với tất cả mọi người…”. Vì anh thấu hiểu “lòng tốt, sự quan tâm chia sẻ, đồng cảm là ngôn ngữ đặc biệt mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được”.

Là doanh nhân nên Sơn cho rằng “Con người cũng như doanh nghiệp hay một tổ chức bất kỳ khi sở hữu và phát huy được giá trị của thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp tổ chức hay uy tín sản phẩm, dịch vụ của mình thì chắc chắn giá trị đó sẽ luôn lan tỏa, tồn tại lâu bền trong niềm tin, tình cảm, sự đồng thuận sử dụng hợp tác giúp đỡ để phát triển của cả cộng đồng…”.

Dường như trách nhiệm của việc làm người và trách nhiệm với cộng đồng đã thôi thúc Sơn luôn suy nghĩ, trăn trở và đã làm được không ít việc đáng quý cho cộng đồng. Hỏi Sơn đi làm việc thiện nguyện nhiều thế thời gian và tâm sức dành cho kinh doanh thế nào? Sơn cười “Những việc tôi làm được nhiều người thương và chính những điều ấy giúp cho kinh doanh rất nhiều… Bởi mọi người đều cần đến nhau, mình giúp người này thì sẽ có người khác giúp mình…”. Tôi nghĩ người xưa đã tổng kết rằng – có đức thả sức mà ăn! Điều đó phải chăng đã giúp đơn vị của Sơn luôn dẫn đầu trong Tập đoàn Thạch Bàn.

Và với doanh nhân Nguyễn Hồng Sơn, tôi thích cái tên “Sơn cộng đồng” mà ai đó đã đặt cho anh một cách đầy trìu mến và chính xác.

D.T – Thứ năm, 08/12/2016 | 11:51 Theo báo Giaothuongonline.vn


    Thoải Mái Như Ở Nhà – Comfort As Home

    05/09/2021

    Thoải mái như ở nhà – Comfort as home Không chỉ tạo điều kiện cho du khách và người đi đường đi vệ sinh miễn phí, một dự án công cộng ở Đà Nẵng còn mong muốn người sử dụng được thoải mái và sạch sẽ như ở nhà, góp phần ngăn chặn nguy cơ […]

    Dự án “Một bức tranh – nhiều hy vọng” của người Đà Nẵng

    05/09/2021

    Không chỉ những người sáng lập ra Dự án “Một bức tranh – nhiều hy vọng” mà cả cộng đồng người Đà Nẵng đã và đang tiếp sức cho một dự án rất tình người.Trong đó có 101 bức ảnh đến từ Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng – những tay máy trẻ mong […]

Chat facebook Chat zalo Gọi ngay